Chắc hẳn bạn đã biết: Mọi content quảng cáo đều hướng đến một nhóm khách hàng nào đó. Khi mới bắt đầu vào nghề, mình có được dạy là muốn làm quảng cáo thì phải biết khách hàng nghĩ gì, thói quen hành vi, sở thích,… nôm na gọi là ‘chân dung khách hàng’. Khi ấy ta mới có thể viết những bài content đánh trúng tâm lý khách hàng, từ đó thu hút họ đọc bài viết, quan tâm và mua sản phẩm mình đang quảng cáo. Vậy làm sao để vẽ ra được chân dung khách hàng một cách chuẩn xác nhất? Mình thì không biết, nhưng có lẽ bài viết này sẽ giúp được bạn.
HIỂU RÕ SẢN PHẨM MÌNH ĐANG BÁN CHO AI
Trước khi đi tìm hiểu khách hàng, bạn phải biết sản phẩm mình đang bán dành cho những đối tượng nào đã, từ đó mới chọn ra chiến lược đúng đắn để tiến công, “biết người biết ta trăm trận trăm thắng” mà. Ví dụ, mình được giao viết bài về thực phẩm chức năng hoạt huyết dưỡng não, vậy đối tượng khách hàng mình cố gắng hướng đến sẽ là những người trung niên, phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh – những người hay gặp tình trạng thiếu máu não và có nhu cầu với sản phẩm của mình nhất. Xác định được đúng mục tiêu cần hướng đến sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho công đoạn phân tích khách hàng, từ đó marketing một cách hiệu quả nhất.
CÁC SKILL TÌM HIỂU HÀNH VI, SỞ THÍCH
Khi bắt đầu hành trình tìm kiếm “hình mẫu lý tưởng” của mình, chắc chắn bạn sẽ gặp không ít trở ngại và vật cản, đặc biệt với những đối tượng khách hàng mà bạn ít gặp hay thậm chí chưa tiếp xúc bao giờ. Lúc đó, những kỹ thuật hay công cụ hỗ trợ được đúc rút từ các bậc tiền bối đi trước sẽ là người đồng hành hữu ích và đáng tin cậy cho bạn đấy:
– Tham gia các nhóm, diễn đàn trên Facebook: sau khi khoanh vùng được nhóm đối tượng mục tiêu, việc tiếp theo là tìm hiểu sở thích, thói quen hành vi của nhóm đối tượng đó. Facebook là một nền tảng có thể cung cấp một lượng lớn thông tin về rất nhiều kiểu khách hàng nếu bạn biết cách khai thác. Như khi bạn tham gia vào một cộng đồng nào đó, bạn sẽ nhanh chóng biết được cộng đồng đó hay chia sẻ về cái gì, cùng quan tâm đến vấn đề gì, từ đó tìm được đúng hướng để tiếp cận và quảng bá về mặt hàng của mình sao cho hiệu quả.
Sử dụng công cụ Social Listening: Social Listening là giải pháp chiết xuất thông tin từ dữ liệu trên internet dựa trên từ khóa được xác định trước đó. Một số tool social Listening phổ biến như SocialHeat, Agorapusle,… hỗ trợ người dùng tìm hiểu insight khách hàng, phát hiện các nội dung đang là “hot trend” trên thị trường, tìm kiếm influencer tiềm năng trên internet,… từ đó lên kế hoạch viết bài thật hợp lý và nhanh chóng bắt trend để gia tăng tỉ lệ tương tác của người truy cập.
Trao đổi với “khách hàng”: Nếu vấn đề của bạn là không hiểu khách hàng, tại sao lại không trực tiếp đi hỏi họ. Ví dụ nhé, bạn đang bán sản phẩm ghế mát-xa lưng, sau khi phân tích được nhóm đối tượng cần hướng đến là những người trung niên, cao tuổi, bạn bắt đầu bối rối vì không biết tiếp cận với nhóm này như thế nào là hợp lý và thuyết phục. Vậy thì bạn có thể chạy đi hỏi bố, mẹ, ông bà, bác hàng xóm,… có thể là bất cứ ai, miễn là sẵn sàng tiếp chuyện với bạn và phù hợp với “hình mẫu” mà bạn đang theo đuổi. Từ đó bạn sẽ có cái nhìn trực quan hơn, hiểu hơn về tâm lý khách hàng và những vấn đề họ đang gặp phải để khai thác và đưa chúng vào trong bài viết.
Trao đổi với nhân viên chăm sóc, nhân viên bán hàng: Nếu có điều kiện, việc trao đổi với nhân viên ở các bộ phận chăm sóc hay bán hàng sẽ rất đáng giá. Vì những người này là người tiếp xúc với khách hàng nhiều nhất, họ có thể giúp bạn nhìn ra những khía cạnh khác liên quan đến tâm lý khách hàng mà ít được nói ra.
Trao đổi với… sếp: Đúng vậy, chính là sếp của bạn. Sếp là một nguồn tư liệu sống, giàu kinh nghiệm và luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ bạn. Vậy tại sao bạn không trực tiếp xin gặp sếp để trao đổi về những thắc mắc của mình? Có thể sau buổi trò chuyện bạn sẽ tìm ra được góc nhìn mới cho vấn đề mình đang mắc phải đấy. Nên nhớ: sếp là để yêu chứ không phải để sợ nhé! J Và tất nhiên, trước khi hỏi sếp thì bạn cũng phải tự tìm hiểu và nắm kha khá thông tin cơ bản rồi chứ đừng mang cái đầu rỗng đi gặp boss, sẽ rất sai vần ai kéo dài đấy.
Đặt mình vào vị trí khách hàng: đây là phương pháp thông dụng nhất mà ai cũng biết, nhưng cũng dễ mắc sai lầm nhất. Để hoá thân thành một người khác, suy nghĩ giống họ để hiểu họ nghĩ gì thì bạn cần một vốn sống tương đối dày dặn, tiếp xúc với nhiều người, được nghe nhiều câu chuyện, gặp nhiều hoàn cảnh cùng khả năng suy diễn, phân tích tốt. Lấy ví dụ là mình nhé, trước khi làm content thì mình là một hướng dẫn viên tự do. Nghề dẫn cho mình khá nhiều trải nghiệm độc đáo và cơ hội được quan sát hành vi, thói quen của khách hàng. Từ đó mình có thể khiến họ thấy hài lòng hơn với trải nghiệm dịch vụ, và khách hài lòng thì mình có thêm tiền tip, thế thôi. Một chi tiết khá hay ho mình quan sát được là: thứ đầu tiên khách du lịch quan tâm khi nhận phòng ở khách sạn là… phòng tắm. Đúng vậy, phòng có thể đơn giản, view có thể không cần hướng ra núi, ra biển nhưng phòng tắm phải sạch, nếu đẹp nữa thì khách càng thích. Bạn thử đặt mình vào vị trí khách hàng và tự liên tưởng xem có đúng không nhé.
Những insight có sẵn từ nghiên cứu: Có rất nhiều nghiên cứu về hành vi người dùng trên web cho ra kết quả là những insight chất lượng, hữu ích để bạn phân tích và đưa ra lựa chọn đúng đắn cho content của mình, như là: đàn ông thích nhìn, còn phụ nữ thì thích đọc; hình ảnh tác động mạnh hơn sở thích; chữ nhỏ phục vụ cho hành vi đọc tập trung;… Những insight này đều có sẵn trên google, hãy cố gắng tìm hiểu và trau dồi thêm để tối ưu bài viết nhé.
Hành trình mua hàng của khách: mỗi khi tiếp cận một bài viết, một nhãn hàng thì khách hàng đều sẽ trải qua các giai đoạn từ Nhận Thức, Quan Tâm, Tương Tác, đến Mua Hàng, với mỗi giai đoạn là sự chuyển biến về mặt tâm lý. Vậy nên điều chỉnh nội dung, cấu trúc content sao cho hợp lý với từng giai đoạn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thuyết phục khách hàng tin tưởng là thực hiện hành động đấy.
ĐÚC KẾT
Vậy là hết rồi. Tất cả nội dung ở trên đều là do mình tự tổng hợp và đúc rút từ kinh nghiệm bản thân trong quá trình làm việc, mà mình cũng chỉ là gà trong chuồng, cá trong chậu nên không đảm bảo là đủ, hay đúng 100% đâu nha, bạn nào làm theo mà không ra được kết quả như kì vọng thì đừng trách mình, tội mình lắm. Với cả nếu đọc đến đây rồi thì tiếc gì mà không cho mình 1 like nhỉ, và comment quan điểm, ý kiến của bạn dưới phần bình luận để mình rút kinh nghiệm cho những bài sau nhé. Hi vọng bài viết này có ích và giúp được bạn trên con đường tạo ra những content xuất sắc, chất lượng. Cảm ơn đã đọc và chúc bạn một ngày tốt lành!