Có lẽ bạn từng thấy quảng cáo viên giặt từ Trung Quốc giúp chuyển đổi một chàng da đen thành soái ca Trung Quốc? Hoặc cô nàng vụng về D&G ăn mọi món ăn với chiếc đũa đặc trưng của châu Á? Những chi tiết nhỏ nhưng lại gây phản cảm với khán giả là mấu chốt khiến cho chiến dịch thất bại và nhận về “làn sóng” tẩy chay.
Dưới đây là vài chi tiết nho nhỏ khác khiến chiến dịch ấp ủ bấy lâu của Marketer “bay màu” trong vòng một nốt nhạc. Sai lầm có thể đến từ bất kỳ đâu, nếu các Marketer không cân nhắc kỹ.
Dove: Sai lầm trong Campaign “Real Beauty”
“Real Beauty” là một chiến dịch lâu dài, bền bỉ và đầy ý nghĩa từ Dove nhằm tôn vinh vẻ đẹp đa dạng, tự nhiên của mỗi người. Tuy nhiên, trong hai trường hợp dưới đây, các Marketer đã vô tình mắc những lỗi sai không đáng có và nhận về phản ứng dữ dội từ phía khán giả và cả những khách hàng của mình.
Một lần tại Anh, Dove phát hành bao bì phiên bản giới hạn được thiết kế thể hiện nét đa dạng của cơ thể phụ nữ. Bao bì của họ so sánh hình tượng phụ nữ với những chai xà phòng trừu tượng, không có hình dáng.
Dove chỉ tung ra bảy hình dạng khác nhau để lựa chọn, buộc phụ nữ phải chọn chai phù hợp với hình dạng của họ.
Khỏi phải nói, điều này đi ngược lại với quy tắc “tôn vinh vẻ đẹp đa dạng” và khiến cho lần phát hành giới hạn gặp phải chỉ trích và bình luận tiêu cực và không thu được thành công như mong muốn.
Một lần khác, Dove lại vô ý dính vào rắc rối phân biệt chủng tộc khi tung ra hình ảnh thay áo, thay da trên mạng xã hội. Ngay lập tức, Dove gặp phải những ồn ào, vô số bình luận tệ hại và quảng cáo này đã xuất hiện ở Google Search khi ta tìm kiếm từ khóa “Dove racist ad.”
Dove đã phải lên tiếng xin lỗi chính thức tới cộng đồng (và đó là lần thứ hai trong năm 2017).
Theo cá nhân mình tìm hiểu thì case này thật ra là bị hiểu lầm, mình không lưu lại nhưng nếu bạn nào có xem qua sẽ nhớ thật ra đây là một đoạn clip mà các cô gái màu da khác nhau cởi áo liên tục, cô đen sang cô trắng và cô trắng sẽ tiếp tục chuyển sang cô gái da bánh mật !!!!
Chính vào năm 2017 cô gái da đen trong đoạn phim quảng cáo cũng đã lên sóng truyền hình để khẳng định đoạn video đó được cho là racist này thật ra là làm ra để đại diện cho diversity ấy
McDonald’s và chiếc quảng cáo TV đi vào lòng đất
Quảng cáo bắt đầu bằng không khí trầm buồn của hai mẹ con nói chuyện về người chồng, người cha đã mất. Những chi tiết mẹ kể về cha khiến cậu bé cảm thấy cậu không có điểm chung nào với cha mình…
…cho tới khi cậu ăn phần Filet-O-Fish và mẹ cậu nói rằng đó cũng là món ưa thích của cha cậu.
Khán giả của họ tức giận vì quảng cáo vô tình gây ảnh hưởng tới những đứa trẻ mất người thân và chỉ trích quảng cáo này đã lợi dụng cảm giác mất mát của con trẻ.
Agency Leo Burnett London đã lên tiếng xin lỗi chính thức về việc này. Tuy nhiên quảng cáo không thể rút lại ngay lập tức trên TV do cam kết với các đài truyền hình. Ngoài ra, thời gian phát hành rất sát với Ngày của Cha năm 2017, McDonald’s và Agency đã nhận về vô số “gạch đá” cho quảng cáo đi xuống địa ngục này.
Về Case này có nhiều bạn nói không biết sai từ đâu nên mình xin giải thích chút xíu. Từ góc nhìn của mình, một món ăn nhanh không nên làm điểm chung duy nhất để kết nối giữa người con và người cha đã mất của mình. Nếu bạn có xem QC từ McDonald’s bạn sẽ thấy đứa con thất vọng nhiều lần thế nào khi mẹ nó liên tục nói về bố nó nhưng nó hoàn toàn không có điểm nào giống bố. McDonald’s có nhiều cách truyền tải khác để thể hiện món ăn của họ cũng là sự kết nối giữa các thế hệ, giữa người với người.
Đặt trong tâm thế của 1 người mẹ khi con mình hỏi “Cha là người thế nào hả mẹ” thì mình không nghĩ có người mẹ nào lại liệt kê 1 đống thứ mà con không giống cha, không để ý tới cảm xúc của đứa nhỏ xong cuối video lại kêu món McDonald’s này cũng là món ưa thích của ổng nè. Nó không mang lại sự chia sẻ và cảm thông của những người mất người thân mà giống như cố tạo dựng một câu chuyện cảm động để chèn món ăn của mình vào hơn á.
Theo mình nếu McDonald’s muốn làm tinh tế hơn thì nên làm mọi thứ vui vẻ hơn, cho đứa con thêm vài điểm khác giống bố kiểu như tinh thần luôn cố gắng không bỏ cuộc, hoặc sự lễ phép lịch sự khi dắt người già qua đường, vv. Thông điệp nên tiếp sức cho con người đang sống ở hiện tại cố gắng chứ không phải nhồi nhét vô đầu đứa bé là món ăn nhanh là thứ duy nhất nó chia sẻ với ông bố đã mất của nó. Điều đó không giúp gì ngoài việc ám thị đứa trẻ ăn McDonald’s nhiều hơn, mà bạn biết đồ ăn nhanh có hại thế nào rồi đó.
Snapchat: Quảng cáo game cổ vũ bạo lực
Sau khi thay đổi bố cục trong 1 bản cập nhật năm 2018, Snapchat nếm trải sự sụt giảm đáng kể số lượng người dùng. Và như thể sự thay đổi tai hại là chưa đủ, việc giới thiệu quảng cáo của Snapchat đã dẫn đến một cơn ác mộng PR sau khi xúc phạm một trong những người nổi tiếng nhất thế giới: “Nữ hoàng kem trộn” Rihanna.
Snapchat xuất hiện quảng cáo cho một trò chơi có tên là “Bạn sẽ… thay vì…?” (Would You Rather). Trò chơi này đưa ra cho người dùng một câu hỏi: Bạn muốn tát Rihanna hay đấm Chris Brown?
Sau sự cố này, Snapchat vấp phải vô số phản đối, kêu gọi xóa và tẩy chay từ phía các ngôi sao ủng hộ Rihanna. Bản thân Rihanna cũng đăng Twitter bày tỏ sự thất vọng đối với công ty và cách tiếp thị như vậy đã khiến không chỉ Rihanna mà những nạn nhân bạo lực gia đình khác, trong quá khứ và hiện tại, vô cùng thất vọng .
Dòng tweet của Rihanna khởi đầu cho phong trào xóa sổ Snapchat và quét sạch khoảng 1 tỷ đô Mỹ khỏi giá trị công ty mẹ Snapchat. Giá cổ phiếu Snapchat cũng giảm 5% chỉ trong một đêm.
Chúc mừng bạn đã sống sót – Adidas
Các chiến dịch email Marketing thường được lên kế hoạch trước và kiểm duyệt kỹ lưỡng về ngôn từ và hình ảnh để giảm tối đa cảm giác khó chịu cho khách hàng. Tuy nhiên một khi email đã gửi đi, không gì có thể thu hồi và đền bù thiệt hại nếu khách hàng không hài lòng, đặc biệt là trong trường hợp của Adidas dưới đây.
Năm 2017 có vẻ là năm tệ hại với các nhà tiếp thị. Với Adidas, họ đã ngã một cú đau khi vô tình chạm vào vết thương của những người tham gia Boston Marathon 2017.
Adidas đã gửi email cảm ơn ngay sau sự kiện với dòng tiêu đề đơn giản là “Xin chúc mừng, bạn đã sống sót sau cuộc thi Marathon Boston!”
Trong bối cảnh của bất kỳ sự kiện thể thao nào khác, điều này có vẻ vô hại và hài hước. Nhưng thông điệp này được gửi đi sau vụ đánh bom cuộc thi Marathon ở Boston năm 2013, khiến 3 người thiệt mạng và hơn 250 người bị thương. Nhiều người đã cảm thấy bị xúc phạm vì điều này và cho dù Adidas ngay lập tức lên tiếng xin lỗi, đây là một lỗi lầm không thể sửa chữa.
Nếu bạn là Marketer trong chiến dịch, bạn có nghĩ ra cách khác để thực thi tốt hơn, hoặc phương pháp xử lí khủng hoảng truyền thông không? Hãy cho mình biết ý kiến của bạn ở phía bên dưới bình luận nhé.